GS.TS Cao Chi – “Nghệ sĩ” làm khoa học

Nhiều người biết và yêu mến GS.TS Cao Chi với tư cách là một nhà khoa học, đồng thời là một dịch giả luôn biết khơi gợi cái đẹp của Vật lý học. Điều đặc biệt là qua mỗi chặng của cuộc hành trình đến với khoa học, ông luôn để lại những dấu ấn riêng.

Một chiều hè oi ả, tôi tìm đến “giang sơn” của GS.TS Cao Chi. Đó là một căn hộ nhỏ nằm trên tầng cao nhất của khu chung cư Thanh Xuân Bắc. Sau tiếng chuông cửa, ông bước ra đón khách. Tiếp xúc đầu tiên của tôi về Cao Chi – một trong những nhà Vật lý thuộc thế hệ đầu tiên của đất nước, khá ấn tượng: Dáng ông gầy và tóc bạc; giản dị và thân thiện.

Tôi đi theo ông, qua một khoảng không gian dày đặc những sách mà cứ ngỡ như đang ở trong một thư viện nào đó: Sách được xếp kín trên các kệ gỗ, vuông vắn từ sàn lên tới trần nhà, lấp đầy 2 khoảng tường lớn. Cuốn sách nào cũng được đánh số kiểm kê, xếp theo thứ tự một cách cẩn thận mà qua đó tôi thấy được cả sự nâng niu, trân trọng của chủ nhân đối với những sản phẩm của tri thức. Đó lại là một ấn tượng đặc biệt nữa mà tôi cảm nhận được.

Phải thú thực rằng tôi là một kẻ ngoại đạo, hay nói đúng hơn là “mù tịt” về Vật lý, nhưng gần đây tôi bắt đầu dành thời gian đọc một số bài viết mang tính chất “phổ biến khoa học” của GS.TS Cao Chi trên một số tạp chí. Một mặt, nhằm mục đích trang bị cho mình – dù chỉ là một chút ít – cái gọi là “phông” kiến thức Vật lý để củng cố sự tự tin khi tiếp xúc với ông, mặt khác, điều thôi thúc và hấp dẫn tôi hơn hết, lại đến từ biệt danh “người tôn vinh cái đẹp trong vật lý hiện đại”, hay “nhà Vật lý với tâm hồn nghệ sỹ” mà dịch giả Phạm Văn Thiều và nhà báo Vũ Công Lập đã dùng để nói về Cao Chi.

Xưa nay, những gì gắn với cái đẹp và nghệ thuật thì thường chiếm được lòng yêu thích của tất thảy chúng ta, nào chỉ riêng ai!? Cái đẹp trong Vật lý, theo Cao Chi: “Vẻ đẹp của Vật lý không phải vẻ đẹp có thể nhìn thấy được như phong cảnh hay một cô hoa hậu, nữ diễn viên… mà là những mắt xích tinh tế của nó đối với các khoa học khác”[1]. Vâng! Đó mới là vẻ đẹp nội tại vĩnh cửu của Vật lý.

Cao Chi từng học trường Collège de Võ Tánh ở Quy Nhơn, Bình Định trong thời gian một năm (1944-1945). Mảnh đất nên thơ này là nơi chắp cánh cho giấc mộng văn chương của những thi nhân tài năng như: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan. Ở đó, họ đã sáng tác nhiều thi phẩm mà sức lan tỏa của nó còn đọng mãi trong lòng giới mộ điệu, sừng sững trên thi đàn Việt Nam cho đến tận ngày hôm nay. Và có thể, trong bầu không khí đầy thi vị ấy, tâm hồn cậu học trò Cao Chi ít nhiều được dung dưỡng những tố chất của một nghệ sĩ: lãng mạn, tinh tế, nhạy cảm…

Tất cả những tố chất ấy cùng với khả năng thiên bẩm về văn chương đã được Cao Chi thể hiện qua phương thức diễn đạt trong các nghiên cứu về Vật lý của mình sau này. Có lẽ đây là nét đặc thù tạo nên sức hấp dẫn trong các bài viết khoa học của ông đã được nhiều người công nhận. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 6, năm 1981, Giáo sư Tạ Quang Bửu từng nhận xét: “Bạn Cao Chi là một chuyên gia về lý thuyết trường lượng tử và là một nhà toán học sâu sắc, và cái gì bạn ấy viết cũng đều đã được suy tính kỹ, những bài viết của bạn ấy dù là các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc…”. Còn Phạm Văn Thiều – Phó Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam, đồng thời cũng là người dịch chung với Cao Chi cuốn sách nổi tiếng “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking thì cho rằng: “Chỉ cần đọc các bài viết của anh (GS.TS Cao Chi – TG), dù là những bài nói về những thứ khoa học cao siêu và trừu tượng, ta vẫn thấy phảng phất đâu đó chất văn chương kín đáo”[2].

GS.TS Cao Chi trong “Thư viện sách” tại gia

Về chặng đường phấn đấu trở thành nhà Vật lý của GS.TS Cao Chi – quả là một hành trình để lại nhiều dấu ấn…

Vốn xuất thân trong một gia đình có cha là y sĩ làm việc nay đây mai đó cho chính quyền thực dân, tuy quê gốc ở Quảng Ngãi nhưng Cao Chi cất tiếng khóc chào đời trong vùng “ma thiêng nước độc” Kontum, ngày 25/4/1931. Và tuổi thơ Cao Chi, cũng phải rong ruổi theo cha mẹ, “dịch chuyển” chỗ ở liên tục.

Dù vậy, cho đến khi gia đình ông định cư ở Phú Yên thì Cao Chi đã nổi tiếng học giỏi. Sau đó, ông thi đỗ vào Collège de Võ Tánh với số điểm rất cao cho 2 môn thi Toán, Pháp văn và được ưu tiên ở nội trú.

Trong thời kỳ kháng Pháp, dù tiếp tục phải nhiều lần tản cư theo trường và thiếu thốn đủ thứ: thiếu ăn, thiếu điện, thiếu sách vở, tài liệu… nhưng không thiếu thày giỏi và Cao Chi lại nổi danh như một hiện tượng bởi thành tích đỗ thủ khoa trong kỳ thi Hội về môn Toán và thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh toàn Liên khu V, năm 1950. Với thành tích ấy, Cao Chi được giữ lại làm giáo viên dạy môn Toán của trường Trung học phổ thông Lương Văn Chánh, Phú Yên (1952-1953), trường Trung học phổ thông Thăng Bình, Quảng Nam (1954).

Hòa bình lập lại, năm 1954, Cao Chi lên tàu tập kết ra Bắc để rồi chỉ hai năm sau lại có mặt ở Liên Xô theo diện được nhà nước cử đi học. Ngày ấy, với khả năng viết văn thiên bẩm được thể hiện qua các bài luận xuất sắc trong thời gian 1 năm học tiếng Nga mà cô giáo của Cao Chi đã khuyên ông nên theo học ngành Văn chương. Tuy nhiên, như ông nói: “Tôi vẫn thích Vật lý hơn”.

Việc được theo học ngành Vật lý tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva, mang tên M. V. Lômônôxốp – trường Đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga, là niềm vinh dự và một điều vô cùng may mắn của Cao Chi. Ngôi trường có kiến trúc cổ kính, rộng lớn, đẹp đẽ và trang nghiêm ấy thường được gọi với cái tên “lâu đài khoa học”, là biểu tượng cho trí tuệ, tỏa bóng qua 3 thế kỷ trên ngọn đồi “chim sẻ” (còn gọi là đồi Lênin) phía tây nam Mátxcơva.

Ở đó, Cao Chi say sưa trong những bài giảng uyên bác của các thầy và thỏa sức vùng vẫy trong thư viện rộng lớn với đầy đủ tài liệu, sách cần thiết cho việc học. Kỷ niệm về những lần được nghe Viện sĩ Lev Davidovich Landau[3] giảng bài không thể nào quên trong ký ức Cao Chi: “Mỗi lần ông (Viện sĩ Lev Davidovich Landau – TG) đến thuyết trình cho sinh viên thì có rất nhiều vị Giáo sư khác đến ngồi chật kín thềm giảng đường để nghe. Mỗi bài giảng của ông có thể xem như một sự kiện”[4].

Có những chiều muộn, Cao Chi vẫn ngồi say sưa đọc sách ở phòng riêng tại ký túc xá, nhiều sinh viên nước ngoài đi qua cứ ngỡ rằng ông đang ấp ủ cho công trình khoa học nào đó. Chính tại ngôi trường này, với những điều kiện tốt nhất về sinh hoạt và học tập cùng sự nỗ lực của bản thân, Cao Chi đã thu nhận được những kiến thức cơ bản nhất về Toán, Vật lý và những môn khoa học khác. Các bài giải của Cao Chi và anh bạn cùng phòng Đào Vọng Đức vẫn thường được những sinh viên nước ngoài mượn chép lại.

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp, ông về nước và trở thành cán bộ giảng dạy môn Vật lý tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một năm sau, ông được GS Tạ Quang Bửu – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước – bỏ qua các thủ tục bao cấp rườm rà cấp tốc cử sang Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna (Liên Xô) với vai trò cộng tác viên khoa học. Cùng đi lần này còn có Đoàn Nhượng và Đào Vọng Đức.

Nếu như trước đây, ở Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna có một nhóm cộng tác viên khoa học Việt Nam làm về thực nghiệm gồm Nguyễn Đình Tứ, Dương Trọng Bái, thì từ năm 1963 nhóm cộng tác viên trong đó có Cao Chi, Đào Vọng Đức, Đoàn Nhượng, do Nguyễn Văn Hiệu lãnh đạo lại chuyên về lý thuyết. Họ được giao nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu và sản xuất những công trình về Vật lý lý thuyết. Bấy giờ, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu về “lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản”.

Cao Chi chia sẻ: “Muốn làm được những vấn đề đó thì phải giỏi về Toán, Vật lý và Lý thuyết nhóm. Chúng tôi phải làm việc mỗi ngày từ 8-10 tiếng đồng hồ mới theo kịp trình độ của các nhà khoa học tại Viện Đúpna. Sau một thời gian, chúng tôi đạt được trình độ nhất định để có thể làm việc cùng các nhà khoa học ở đó”[5].

Cần phải nói thêm rằng Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna không phải là một cơ quan đào tạo nghiên cứu sinh, tuy nhiên, đến năm 1967 do nghiên cứu được nhiều công trình khoa học nên Cao Chi được Hội đồng khoa học của Viện gợi ý làm luận án Phó tiến sĩ. Và, dưới sự lãnh đạo của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, năm 1968 Cao Chi đã hoàn thành và bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna với đề tài: “Đa tuyến hữu hạn và đa tuyến vô hạn bậc cao trong lý thuyết đối xứng”.

Cũng trong năm 1968, Cao Chi trở về nước làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với tư cách là chuyên viên cao cấp cho tới khi nghỉ hưu (1968-1995). Có thể nói rằng Cao Chi là một nhà khoa học thuần túy, chỉ làm công tác chuyên môn. Hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông là về Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản; Lý thuyết trường lượng tử; Yang-Mills và trường hấp dẫn. Đặc biệt Cao Chi còn nghiên cứu Vật lý hạt nhân, Lý thuyết lò phản ứng và vấn đề đưa điện nguyên tử vào Việt Nam.

GS.TS Cao Chi 

Đề tài khoa học cấp nhà nước KC 09-17: “Nghiên cứu chiến lược phát triển Khoa học Kỹ thuật hạt nhân và Năng lượng hạt nhân (điện nguyên tử)” thực hiện từ (1992-1995) do Cao Chi làm chủ nhiệm là một dấu ấn đậm nét trong nghiên cứu khoa học của ông. Từ việc nghiên cứu cơ sở hạ tầng, công nghệ… Cao Chi đã xây dựng một luận cứ và một lộ trình chặt chẽ để đưa điện nguyên tử vào Việt Nam, dự kiến vào khoảng 2015-2020.

Ông cho biết: “Nhà nước ta có chủ trương làm điện nguyên tử nhưng trong giai đoạn này có những khó khăn về nhân lực mà phải tạm hoãn một thời gian. Có một giai đoạn nhà nước ta không chú ý đến việc đào tạo cán bộ cho ngành nguyên tử. Đáng lẽ phải có 300 chuyên gia thì đến nay chỉ có vài chục chuyên gia. Tuy nhiên chủ trương ấy vẫn được tiếp tục. Đã có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận”[6].

Cuốn sách của GS.TS Cao Chi với tựa đề “Vật lý hiện đại – Những vấn đề thời sự từ Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh”, xuất bản năm 2011, đã gây được nhiều tiếng vang bởi lượng kiến thức phong phú cơ bản nhất về Vật lý hiện đại. Ông đã dành 2 năm để làm việc này, bằng niềm say mê, cần mẫn và cẩn thận.

Trong lời nói đầu, ông viết: “Vật lý hiện đại là một vấn đề rất lớn, nên khó lòng nói đến trong một cuốn sách, dù từ quan điểm nào và đến mức độ nào. Nhiều vấn đề thời sự của vật lý hiện đại là những vấn đề hết sức sâu sắc hàm ẩn nhiều nội dung vật lý và toán học có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khoa học và triết học”. Đúng là còn rất nhiều vấn đề phải làm để hoàn thành các phần tiếp theo của cuốn Vật lý hiện đại. Lời bộc bạch đó có thể thấy rằng dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn trăn trở cho những dự định mới.

Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/