Khi được bổ nhiệm làm giáo sư, ông Ngô Bảo Châu nghĩ mình sẽ có cuộc sống dư dả hơn. Nhưng ông sốc khi nhận tháng lương đầu tiên, số tiền không đủ để mua vé máy bay về Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm tròn 10 năm nhận giải thưởng Fields, GS Ngô Bảo Châu đã thực hiện bài giảng đại chúng với chủ đề “Trao đổi về nghiên cứu khoa học”. Tại đây, ông có những chia sẻ với các bạn trẻ về con đường làm nghiên cứu khoa học.
GS Ngô Bảo Châu có những chia sẻ với các bạn trẻ về con đường làm nghiên cứu khoa học
Chủ nhân giải thưởng Fields từng nghi ngờ khả năng của mình
Trong bài giảng, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ lại những chặng đường từ khi còn là học sinh phổ thông đến khi trở thành nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. Theo ông, điều quan trọng nhất trên hành trình ấy chính là phương pháp và kỹ năng tư duy.
“Nhiều người hỏi đã bao giờ tôi có ý định rời bỏ con đường nghiên cứu khoa học hay không? Về cơ bản là không, nhưng cũng có một vài thời điểm tôi thật sự nghi ngờ về khả năng của mình”, GS Châu nói.
Sau khi giành được tấm huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế vào năm lớp 11, cậu học trò Ngô Bảo Châu không còn cảm thấy thích thú với việc sẽ tiếp tục đi thi vào năm sau nữa. Cũng trong thời điểm này, ông biết được toán cao cấp có nhiều điểm khác biệt so với toán sơ cấp.
Vì thế, ông đã đến tìm gặp GS Đoàn Quỳnh, người từng tham gia hướng dẫn đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi IMO, đồng thời được thầy cho mượn một cuốn giáo trình về toán cao cấp. Nhưng đến khi mang về đọc, ông Châu bất ngờ vì thấy mình không hiểu gì cả.
“Sau đó, tôi bỏ cuộc và bắt đầu nghi ngờ vào khả năng học toán lý thuyết của bản thân”, GS Châu nói.
Cảm giác đó tiếp tục lặp lại sau khi ông sang Pháp. Việc học ngày càng khó hơn khiến ông dần thấy ngợp. Nhưng rất may sau đó, ông đã gặp được thầy là giáo sư Gérard Laumon. Người thầy đặc biệt này hiểu được điểm mạnh, yếu của học trò và có cách giảng dạy dễ tiếp nhận. Nhờ đó, Ngô Bảo Châu bắt đầu làm chủ được kiến thức toán học.
GS Ngô Bảo Châu đúc kết ra rằng người quan trọng nhất trong hành trình theo đuổi khoa học của một người mới bước chân vào con đường nghiên cứu chính là người thầy.
Việc “chọn thầy để học” cũng quan trọng không kém việc cưới vợ, cưới chồng. Cuộc đời khoa học phụ thuộc rất nhiều vào bước quyết định ban đầu này.
“Trước đó, nhiều người khuyên tôi nên lựa chọn một người thầy tên tuổi hơn. Thế nhưng tôi vẫn quyết định theo thầy giáo của tôi. Thầy tôi khi ấy còn rất trẻ, thậm chí chưa có tên tuổi gì. Nhưng tôi cảm thấy rất tin tưởng. Tôi bỏ qua những lời khuyên bên ngoài để đi theo thầy.
Sau này, tôi mới nhận thấy, quả thực thầy có một tầm nhìn xa và sâu sắc. Ông luôn có cách hiểu rất mới và có cái nhìn đặc biệt về các vấn đề của toán học”, GS Ngô Bảo Châu nhớ lại.
Đến thời kỳ postdoc (làm nghiên cứu sau tiến sĩ), theo GS Châu, đây là giai đoạn đặc biệt. Lúc này, nhà khoa học phải trở thành một nhà nghiên cứu độc lập, đồng thời phải tự tìm ra vấn đề và phương pháp thay vì “dựa” vào một bờ vai nào. Do đó, một trong những kỹ năng khó nhất trong nghiên cứu khoa học là luôn luôn phải đổi mới mình.
“Một nhà khoa học có tham vọng thực sự là phải đổi mới mình liên tục; không bao giờ được viết quá 2 bài báo cho một ý tưởng; đồng thời luôn luôn phải có ý thức tìm ra cái mới”, GS Châu nói.
Ông cũng kể lại câu chuyện, bản thân từng đưa ra quyết định đầy rủi ro khi muốn làm bổ đề cơ bản.
“Tôi không muốn mình bị phân tán bởi các vấn đề khác nữa. Vì thế, tôi quyết định viết thư cho tất cả đồng nghiệp của mình về việc xin phép rút lui khỏi những đề tài đang làm, kể cả có bài tôi tham gia đóng góp đến 80%. Tôi quyết định rời bỏ ‘vùng an toàn’ để đến nơi đầy rủi ro, nhưng đó thực sự là điều tôi muốn làm”, GS Châu kể lại.
GS Ngô Bảo Châu tại buổi tọa đàm
Mức lương luôn là thiệt thòi của người làm khoa học
Theo GS Ngô Bảo Châu, người làm khoa học luôn thiệt thòi về thu nhập. Ngoài ra, người làm khoa học cũng không có thời gian đi giao lưu xã hội, gặp gỡ bạn bè.
“Cho đến tầm tuổi 30-40, tôi vẫn không có khái niệm đi ăn quán. Việc giao lưu với bạn bè cũng rất hạn hữu. Tôi cảm thấy mình không có nhu cầu. Mặc dù tôi cũng nhìn thấy một xã hội rất đáng mơ ước, nó vẫn như thể chẳng liên quan gì đến mình. Đó chính là cái giá phải trả nếu bạn muốn theo đuổi việc nghiên cứu khoa học”, giáo sư nói.
Về mặt thu nhập, theo GS Ngô Bảo Châu, với những nhà khoa học trẻ, bài toán kinh tế vô cùng khó khăn. Khi còn ở Pháp, bản thân ông từng vài lần sốc, bởi lúc trẻ ông nghĩ mình không cần tiền mà chỉ cần thời gian để nghiên cứu, chỉ cần đủ ăn và có một chỗ ở.
Đến khi được bổ nhiệm làm giáo sư, ông lại nghĩ rằng từ đây, mình sẽ có một cuộc sống dư dả hơn, không cần quá lo lắng về kinh tế. Nhưng ông đã tiếp tục sốc khi nhận được tờ bảng lương đầu tiên của mình. Với số tiền này, ông còn không đủ để mua chiếc vé máy bay về Việt Nam.
“Đó không phải do cách đối xử của người ta với tôi không tốt mà mặt bằng chung ở Pháp như thế. Hay như ở Mỹ, mức lương của người làm khoa học cũng kém xa so với những người làm nghề khác. Nhiều nghề, sinh viên vừa ra trường đã nhận được mức lương ngang với giáo sư toán học”, ông nói về những thiệt thòi của người theo đuổi việc nghiên cứu.
Tuy vậy, GS Châu vẫn động viên những người trẻ nên sẵn sàng theo đuổi công việc này nếu thực sự có đam mê.
“Hiện nay, điều kiện nghiên cứu của các nhà khoa học ở Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Những công sức nhà khoa học bỏ ra sẽ được xã hội đền đáp xứng đáng.
Người làm khoa học giờ đây đã có thể sống bằng nghề của mình, không phải đi làm thêm ngoài giờ như trước. Ngoài các quỹ đầu tư của nhà nước, một số quỹ tư nhân cũng bắt đầu hình thành để hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học. Do đó, các nhà khoa học trẻ hoàn toàn có thể yên tâm làm nghiên cứu”, GS Ngô Bảo Châu khích lệ.
Theo VietnamNet
Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/