Các chuyên gia kiến nghị tiếp tục khảo sát, xây dựng kế hoạch nghiên cứu mở rộng bãi cọc Bạch Đằng trong thời gian tới.
Chiều 28/9, gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, khảo cổ học, quản lý văn hóa về TP Hải Phòng dự hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2020 và tham quan thực tế Bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Tại đây, các đại biểu được giới thiệu về quá trình phát hiện, khai quật và xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ. Kết quả khai quật bước đầu phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen.
Gần 300 nhà khoa học về tham quan bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê. Ảnh: Tô Thành.
Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng; được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ.
Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp. Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ đường kính 10-18 cm, loại lớn 28-32 cm. Đặc biệt, nhiều cọc có đường kính 37-40 cm, chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim.
Trên cơ sở kết quả khai quật, các chuyên gia khoa học kiến nghị tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch nghiên cứu mở rộng trong thời gian tới.
Nhà sử học Lê Văn Lan (giữa) cùng các đại biểu tham quan bãi cọc. Ảnh: Tô Thành.
GS.TSKH Vũ Minh Giang và nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá đây là những dấu tích rất quan trọng đối với ngành khảo cổ và lịch sử Việt Nam. Những phát hiện quý này giúp các nhà khoa học mở thêm nhiều nghiên cứu mới về chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng thời nhà Trần, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đối với các thế hệ mai sau.
Theo kế hoạch, ngày 29 và 30/9, tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng, Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2020 sẽ diễn ra. Đây là diễn đàn khoa học để thông báo, chia sẻ, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học.
Cuối năm 2019, trong quá trình lao động, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện 27 chiếc cọc.
Qua kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đánh giá đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng vào năm 1288.
Theo Nguyễn Dương (Zing)