Vị bác sĩ già – Trưởng ban tham vấn của ca phẫu thuật tách Trúc Nhi – Diệu Nhi ngày 15/7 cũng chính là trưởng ê-kíp ca phẫu thuật tách dính thành công ca song sinh Việt – Đức 32 năm trước.
Ngày 15/7, ca phẫu thuật tách dính 2 bé gái song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi dính nhau tại vùng bụng chậu cực kỳ hiếm gặp đã được tiến hành tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Tham gia tiến hành ca phẫu thuật là ekip gần 100 nhân viên, trong đó hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cùng gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước.
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật sáng 15/7/2020.
Trong số này, có một vị bác sĩ già lặng thầm theo dõi từng thao tác của các y bác sĩ trong phòng mổ. Ông chính là GS.BS Trần Đông A, chuyên gia cao cấp, cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 2, Trưởng ban tham vấn của ca phẫu thuật. Ông cũng chính là trưởng ê-kíp ca phẫu thuật lịch sử tách dính thành công ca song sinh Việt – Đức 32 năm trước.
Giáo sư Trần Đông A – tham vấn chuyên môn trường hợp hai bé gái song sinh dính vùng bụng chậu.
Thật xúc động với hình ảnh một bác sĩ nay ở tuổi 80 vẫn đem nhiệt huyết và trí tuệ ra để cùng các y bác sĩ tiếp tục làm nên một sự kiện chấn động và tự hào nữa cho y khoa Việt Nam.
Điều trùng hợp, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), người học trò ưu tú của ông cũng chính là trưởng kíp mổ tách dính hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi ngày hôm nay.
Ngoại Nhi là chuyên ngành bác sĩ Trần Đông A được đào tạo chuyên sâu. Ông là một bác sĩ có tiếng về nhi khoa ở miền Nam trước năm 1975. Trong những năm 1972-1973, bác sĩ Trần Đông A được cử đi tu nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn về phẫu thuật tại bang Texas, Mỹ.
Sau ngày thống nhất đất nước, bác sĩ Trần Đông A không lựa chọn ra nước ngoài sinh sống mà ở lại Việt Nam và chấp nhận mọi thử thách, khó khăn. Như ông chia sẻ, lý do ông ở lại Việt Nam là: “Vì trẻ em Việt Nam cần tôi, bởi phẫu thuật nhi khoa là chuyên khoa của tôi”. Vì những điều ấy, ông chấp nhận mọi khó khăn, chờ đợi thời cơ vượt lên hoàn cảnh, đóng góp cho trẻ em, cho đất nước.
Giáo sư Trần Đông A (phải) trong vai trò cố vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau ca phẫu thuật ghép gan cho bé trai 13 tháng tuổi vào ngày 4/10/2016. Ảnh: BVCC.
Sau khi ở trại cải tạo trở về, ông được bố trí ngay về Bệnh viện Nhi đồng II. Nhờ nhiệt tâm công tác và trình độ chuyên môn cao, ông dần được tin tưởng và được bố trí làm Trưởng khoa vào năm 1978.
Bước chân vào lĩnh vực nhi khoa, bác sĩ Trần Đông A luôn suy nghĩ đầy tự hào: “Nếu cứu được một em bé sơ sinh mắc bệnh thập tử nhất sinh là cứu được một cuộc đời dài 70-80 năm với tất cả ý nghĩa của nó. Đó là một hạnh phúc mà không phải người làm nghề y nào cũng có được. Bởi lẽ đó, tôi đã chọn ngành phẫu thuật nhi”.
Sau cuộc chiến, tiếng súng không còn nhưng còn đó sự khó khăn về kinh tế, khi Việt Nam chịu sự cấm vận ngặt nghèo của Mỹ. Những năm 80, đất nước khó khăn, cuộc sống người dân vô cùng khốn đốn. Trong bối cảnh ấy, khó có thể nghĩ sẽ tạo ra được những sáng tạo khoa học đình đám hoặc gây chấn động quốc tế. Vậy mà vào năm 1988, bác sĩ Trần Đông A lại khiến quốc tế phải nể phục Việt Nam bởi ca phẫu thuật tách đôi cặp song sinh Việt-Đức.
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ngày 25/2/1981 tại Kon Tum trong hình dạng dính liền vào nhau ở phần bụng, có chung hậu môn và bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt. Năm lên sáu tuổi, Việt gặp hội chứng não cấp rơi vào hôn mê, có thể đột tử bất cứ lúc nào và được đưa qua Nhật Bản chữa trị nhưng không thành công. Trước nguy cơ Đức sẽ chết nếu chẳng may Việt qua đời, Bệnh viện Từ Dũ quyết định tách rời cặp song sinh dính liền nhau.
Bác sĩ Trần Đông A và cặp sinh đôi dính liền Việt – Đức. Ảnh chụp tại Bệnh viện Từ Dũ trước khi thực hiện ca mổ tách, ngày 22/9/1988. Ảnh tư liệu.
Trước khi ca phẫu thuật được thực hiện tại Việt Nam, có một số ý kiến cho rằng nên chuyển Việt-Đức sang Mỹ để quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước được rút ngắn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhật Bản, vì vậy nếu có đưa Việt-Đức ra nước ngoài thì nước đầu tiên phải nghĩ đến là Nhật Bản. Bác sĩ Trần Đông A nhận được chỉ thị bằng mọi giá phải thực hiện thành công ca phẫu thuật, để chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có thể chiếm lĩnh được đỉnh cao của y khoa nhân loại.
Bác sĩ Trần Đông A được chỉ định là trưởng kíp mổ, với sự tham gia của nhiều bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau. Để thuận tiện cho công việc của mình, ông đã xin phép lãnh đạo cho mình được chủ động lựa chọn ê kíp mổ.
Ông nhớ lại: “Tôi đã bỏ ra một tháng để thu thập tư liệu liên quan đến 6 ca mổ trước ca của hai cháu Việt-Đức. Đồng thời tiếp xúc với những đồng nghiệp tôi dự kiến sẽ mời vào kíp mổ. Được sự chấp thuận của lãnh đạo, với sự chỉ đạo duy nhất là làm thế nào có thể tập hợp được các chuyên gia hàng đầu của mọi chuyên khoa ở mọi bệnh viện. Ngày nào tôi cũng vào chơi với các cháu để biết được phản ứng của cháu Việt đang bị bại não thế nào, từ đó tạo ra được kế hoạch ban đầu về cách thức, phương án mổ trình bày với ê kíp. Sau khi bàn luận, chúng tôi lên cả phương án tập dượt với mô hình do chính vợ tôi thực hiện”.
Bác sĩ Trần Đông A và ekip thực hiện ca mổ tách rời hai cháu Việt và Đức ở TP.HCM năm 1988.
Ngày 4/10/1988, ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh được thực hiện với sự tham gia của ê kíp bao gồm 70 giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Ca phẫu thuật kéo dài gần 15 tiếng được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình của các nước. Bác sĩ Trần Đông A là người khâu mũi chỉ cuối cùng trên thành bụng của Nguyễn Đức.
“Sau khi khâu xong, tôi đứng ra một góc của phòng mổ để cho các bác sĩ gây mê và dụng cụ viên làm những thao tác cuối cùng, băng vết mổ để làm thế nào vết mổ không nhiễm trùng… Chỉ 10 phút sau cháu Đức đã mở mắt và nhận ra mọi người. Trong khi mọi người reo mừng, tôi đứng trong một góc cũng mừng nhưng 2 tay chắp trước ngực và nghĩ đến trọng trách sắp tới để điều trị những biến chứng nếu có, bảo đảm kết quả lâu dài”, bác sĩ Trần Đông A nhớ lại.
Điều mà bác sĩ Trần Đông A không ngờ là hành động chắp tay trước ngực của ông bị đài truyền hình nước ngoài quay. Sau này họ phỏng vấn ông rằng liệu có phải ông cầu nguyện cho hai bệnh nhân. Ông chỉ mỉm cười trả lời: “Các vị nghĩ sao cũng được”.
Sau ca mổ, Việt sống đời thực vật nhưng vẫn ở lại với đời được 19 năm sau mổ với sự chăm sóc của các y bác sĩ Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Nguyễn Đức lớn lên khỏe mạnh, lập gia đình, nhà cửa ổn định và hiện có hai con trai gái sinh đôi xinh xắn Phú Sĩ, Anh Đào.
Ca mổ lịch sử thành công, uy tín của y học Việt Nam được các nhà khoa học quốc tế biết đến với sự nể phục. Một đài truyền hình Pháp cho rằng đó là một trong những ca phẫu thuật khó nhất thế kỷ. Vượt ra ngoài phạm vi chuyên môn, ở Nhật Bản, thành quả của ca mổ được coi là đóng góp to lớn, góp phần vào cuộc vận động nhân đạo nhân loại hướng về hoạt động chống chiến tranh hóa học và nguyên tử. Năm 1991, ca mổ được đưa vào sách kỷ lục Guinness của thế giới.
Bác sĩ Trần Đông A nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo đài, truyền hình trong cũng như ngoài nước. Ông trở thành gương mặt đại diện tiêu biểu cho thành công ấy. Liên tiếp trong các năm sau đó, ông luôn có mặt trong những ca bệnh nhi hiểm nghèo hiếm gặp nhất ở Việt Nam và trở thành hiện tượng của y học Việt Nam.
Đến hôm nay, khi nhớ lại ca mổ cách đây 32 năm, GS Trần Đông A cho rằng trình độ y khoa của thế giới cũng như Việt Nam khi ấy và ngày nay hoàn toàn khác nhau. Hai cặp song sinh có đặc điểm giống nhau duy nhất là cùng dính nhau, có điều cặp Việt-Đức dính nhau ở phần đầu. Việt-Đức chỉ có 3 chân, trong đó Việt đã bại não.
“Trong lịch sử, chưa ai từng tiến hành ca mổ tách dính cặp song sinh, trong đó có một ca bị bại não mười mấy tiếng đồng hồ. Dính nhau như Việt-Đức trên thế giới chỉ có 6 cặp nhưng không có bé nào bị bại não”, GS Trần Đông A nhớ lại.
Ca mổ chưa từng có tiền lệ lại được tiến hành trong bối cảnh Việt Nam đang giai đoạn bị cấm vận, cực kỳ khó khăn về kinh tế, ngay cả đến chỉ khâu cũng thiếu thốn.
“Đối với ca mổ này, dù rất khó khăn nhưng nếu ai ở trong vị trí của tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Lúc đó (ca mổ 32 năm trước) chỉ có chỉ khâu, kháng sinh, thuốc sát trùng và thêm sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản mà chúng ta đã thành công một ca cực kỳ khó, không chỉ khó với chúng ta mà còn với thế giới”, GS Trần Đông A nói.
Đánh giá về ca mổ Trúc Nhi – Diệu Nhi, GS Đông A cho biết, hai bé song sinh dính nhau vùng bụng chậu thuộc loại hiếm, chỉ xảy ra ở 6% dân số thế giới. Mặc dù Việt Nam từng có kinh nghiệm mổ một số ca dính liền phức tạp, trang thiết bị hiện được đầu tư đầy đủ và hiện đại nhưng các y bác sĩ trước khi bước vào ca phẫu thuật này không được phép chủ quan.
“Tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật là trên 70%. Tuy nhiên y khoa không phải môn khoa học lúc nào cũng chính xác. Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ khi có bất trắc phải làm gì để cứu hai bé. Tôi luôn nhắc anh em chuyện bất ngờ luôn có thể xảy đối với dạng dính nhau loại này nên phải bàn thảo các biến chứng bất ngờ xảy ra. Dù là bây giờ phương tiện chẩn đoán của mình hiện đại và chi tiết rất nhiều…”, GS Trần Đông A nhấn mạnh.
Vị bác sĩ già cũng bày tỏ hy vọng, ca mổ tách rời cặp song Nhi sẽ là một dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam.
“Trước đây, đích thân tôi là trưởng kíp mổ kiêm phẫu thuật viên chính thì bây giờ các “đệ tử” của tôi rất vững vàng. Phần lớn thành viên kíp mổ đều là đàn em, học trò của tôi. Đó là một điều hạnh phúc không phải ai cũng cố được và tôi đủ sức khoẻ để làm cố vấn từ sáng đến giờ cũng không thấy mỏi mệt. Một phần vì tôi rất hào hứng tham gia vào những ca mổ để cứu lấy các cháu bé. Không ai có được hạnh phúc là cứu được cháu bé thập tử nhất sinh. Không phẫu thuật viên nào có được hạnh phúc như thế,” ông bày tỏ.
Ngày hôm nay, giới y khoa cùng nhiều người ngoại đạo khác đang hướng về cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi và cầu mong những điều kỳ diệu sẽ diễn ra như ca phẫu thuật đã diễn ra cách đây hơn 30 năm. GS Trần Đông A vẫn ở đó, như lá bùa hộ mệnh của những số phận trẻ em éo le.
18h40 ngày 15/7, cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi đã được đưa ra khỏi phòng mổ sau khi các bác sĩ hoàn tất khâu tạo hình cuối cùng, khâu vết mổ, bó bột cho hai bé.Sau hơn 12 tiếng đồng hồ với sự tham gia của gần 100 chuyên gia, y bác sĩ của các bệnh viện đầu ngành thành phố, ca phẫu thuật đã kết thúc tốt đẹp và thuận lợi. Sau mổ, hai em được chuyển tới Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tiếp tục được theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Các bác sĩ cho biết hậu phẫu cũng là một hành trình gian truân không kém.Ngay sau khi được tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố về việc kíp phẫu thuật đã tách rời thành công cặp song sinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế Việt Nam.Qua quyền Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng cũng gửi lời chúc mừng tới tập thể gần 100 bác sỹ tham gia kíp mổ tách rời một trong những cặp song sinh phức tạp bậc nhất, mang lại cuộc sống riêng hoàn thiện cho hai bé. Thủ tướng đồng thời gửi lời thăm hỏi tới cha mẹ và quà cho 2 bé Trúc Nhi – Diệu Nhi.Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1:200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus. |
Nguyễn Thanh Hóa (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)
Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/