Con đường làm chính trị của luật sư Phan Anh rất đặc biệt, có thể coi là một hiện tượng trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Luật sư Phan Anh là một người tiêu biểu thuộc thế hệ trí thức vàng của Việt Nam ở thế kỷ 20. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên của Chính phủ thân Nhật – Trần Trọng Kim. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội… Hiếm có một trí thức nào có hành trình chính trị đặc biệt như luật sư Phan Anh. Xuyên suốt hành trình ấy là tấm lòng son sắt, trung kiên, vì dân vì nước, sáng tựa như gương.
Dù là Bộ trưởng ở thể chế chính trị nào, ông vẫn một lòng vì dân vì nước, theo đúng như lời mà cụ thân sinh Phan Điện từng tặng cho hai con trai (Phan Anh và Phan Mỹ): Trung tín hành man mạch/ Nhân nhượng hưng quốc gia ((tạm dịch là: Đối với người nước ngoài thì giữ chữ trung tín, Phải yêu thương nhường nhịn thì quốc gia mới hưng thịnh).
Nhân nhượng hưng quốc gia
Trước năm 1945, luật sư Phan Anh thuộc nhóm những trí thức yêu nước không chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng sản. Có thể kể tên một số tên tuổi tiêu biểu thuộc nhóm này như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Đỗ Đức Dục… Giống như nhiều trí thức khác, luật sư Phan Anh thể hiện tiếng nói yêu nước của mình thông qua báo chí hoặc những hoạt động cụ thể.
Ảnh chụp tháng 6/1955, Luật sư Phan Anh (hàng đầu bên phải) và Bác Hồ ngồi hàng sau cùng bên trái là Mao Trạch Đông trong đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam dự một cuộc tiếp tân tại Trung Quốc.
Ông cùng với một số khác như Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền lập ra tạp chí Thanh Nghị. Tạp chí này có số ra đầu tiên vào ngày 15/5/1941 và đình bản vào tháng 8/1945, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Thanh Nghị tập trung những cây bút cự phách vào lúc bấy giờ, là những người có trình độ chuyên môn cao như Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Văn Tố, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Trọng Phấn, Lê Huy Vân, Đinh Gia Trinh, Nghiêm Xuân Yêm, Dương Đức Hiền, Đặng Thai Mai…
Nhiều bài viết trong trên tờ Thanh Nghị thể hiện quan điểm của các trí thức về các vấn đề chính trị, xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân. Trong đó luật sư Phan Anh phụ trách mảng các vấn đề về chính trị, xã hội. Kể từ khi ra số đầu tiên đến khi đình bản, luật sư Phan Anh đã viết tổng cộng 41 bài trên Thanh Nghị và là cây bút viết nhiều thứ 5 của tạp chí.
Một số phát hành của Tạp chí Thanh Nghị năm 1943.
Mặc dù không đứng trong hàng ngũ Việt Minh, nhưng Phan Anh đã nghe nói rất nhiều, hiểu về Việt Minh và những hoạt động của tổ chức này. Ông cũng là luật sư, có lẽ là duy nhất tham gia bào chữa cho các chiến sĩ Việt Minh bị đem ra tòa xử án từ năm 1940 đến 1945.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, luật sư Phan Anh không hề có một chút ảo tưởng nào về sự thay đổi ấy. Sự tham gia của ông và một số trí thức vào Chính phủ Trần Trọng Kim có những mục đích và toan tính riêng trong một bối cảnh cụ thể rất phức tạp.
Như lời ông sau này: “Tôi, với tư cách là người yêu nước, đã quan sát tình hình ấy. Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải là một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, công chức làm việc đó, đòi Nhật làm việc đó. Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không phải là đồng tác giả, không phải là kẻ hợp tác với họ, phải giữ thế trung lập”.
Theo luật sư Phan Anh, việc thành lập Chính phủ mà ông là Bộ trưởng, với khẩu hiệu “Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập”. Chính vì thế mà ông và các trí thức yêu nước đã suy nghĩ rất nhiều khi giữ thế trung lập, quyết định trong chính phủ ấy không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn thành lập bộ ấy để lôi kéo các trí thức theo họ. Thay vì có bộ ấy, ông và các trí thức đề nghị thành lập một bộ khác, đó là Bộ Thanh niên.
Ông giải thích: “Phong trào Việt Minh đã nổi tiếng và gây được hiệu quả là vì được thanh niên ủng hộ. Chúng tôi vận động một phong trào thanh niên là nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên của chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: Cùng theo đuổi một mục tiêu như nhau”.
Luật sư Phan Anh (trái) cùng Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, ảnh chụp năm 1950.
GS Hoàng Xuân Hãn từng lý giải về động cơ của Chính phủ Trần Trọng Kim cũng như vai trò của luật sư Phan Anh trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên: “Cuối cùng Trần Trọng Kim tuy còn ốm, phải nhận lời Bảo Đại năn nỉ ra thiết lập một chính phủ cách tân, trong ấy Phan Anh phụ trách Bộ Thanh niên để tránh tiếng Bộ Quốc phòng vì chưa có bộ đội và không muốn ai hiểu lầm và lợi dụng. Còn mục tiêu chung thì gấp rút trong khoảng một năm, tập cho quốc dân quen với tính cách độc lập, tự tin để đến khi hòa bình trở lại, Đồng minh không có cớ đặt ách ngoại trị vào cổ dân ta.
Trong khoảng ba tháng, Phan Anh đã lập được tại nhiều tỉnh những thanh niên đoàn học tập võ nghệ, và nhất là lập được tại Huế một trường võ bị cao cấp, gọi là Trường Thanh niên tiền tuyến để một số sinh viên đại học cũ tập thành sĩ quan. Chính phủ lại yêu cầu quân đội Nhật trả lại những khí giới đã tịch thu và thả những quân nhân người Việt để họ huấn luyện thanh niên học tại các trường võ bị”.
Chân dung Luật sư Phan Anh.
Luật sư Phan Anh và những trí thức khác ý thức rất rõ mục tiêu khi tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim. Ông luôn coi việc tham gia Chính phủ ấy và cũng coi Chính phủ ấy như một công cụ để phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc.
Khi thời cơ giành chính quyền đã đến, Cách mạng tháng Tám nổ ra cũng là lúc nội các Trần Trọng Kim từ chức. Bộ trưởng Phan Anh coi như mình đã hoàn thành nhiệm vụ do lịch sử giao phó. Như ông viết lại: “Tôi đã mang thông điệp từ chức đến các tỉnh mà tôi đi qua, từ Huế ra Hà Nội. Tôi đã báo tin như vậy cho quốc dân, và việc làm ấy tiến hành song song với các hoạt động của chính phủ cách mạng…”
Hành động của ông, khi tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, sau này gây ra những nhận định trái chiều hoặc nghi hoặc về mục đích, mục tiêu của một trí thức. Nhưng qua thời gian, lịch sử đã chứng minh những hành động của ông là vì dân, vì nước với một tấm lòng trong sáng. Cũng chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọng dụng và giao cho luật sư Phan Anh nhiều trọng trách quan trọng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bộ trưởng của nhiều Bộ quan trọng
Sau khi từ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim, luật sư Phan Anh đã tham gia ngay vào dòng chảy cách mạng. Nói về lý do đó, ông viết: “Rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu và bao dung của Bác, vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật làm điều, mà vẫn cho tôi là một trí thức yêu nước và trọng dụng”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng (phải) và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Luật sư Phan Anh trong thời gian dự Hội nghị Genève (1954).
Từ tháng 2/1946 đến tháng 11/1946, luật sư Phan Anh được mời làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dưới quyền ông là những trí thức đều do ông chọn lựa, trong đó có Thứ trưởng Tạ Quang Bửu. Tháng 7/1946, ông được Chính phủ giao chức Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam (Trưởng đoàn là Phạm Văn Đồng) dự hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp.
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, luật sư Phan Anh lao mình vào dòng người lên Việt Bắc, cùng Chính phủ và nhân dân đồng cam cộng khổ, quyết giành lại độc lập từ tay người Pháp. Từ tháng 7/1947 đến tháng 5/1951, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, sau đó giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương (đến tháng 5/1955). Ông cũng là thành viên phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Genève về kết thúc chiến tranh ở Đông Dương vào tháng 7/1954.
Hồ Chủ tịch và một số Bộ trưởng, nhân sĩ, trí thức tại Việt Bắc năm 1951. Trong ảnh, Luật sư Phan Anh đứng thứ năm từ trái sang.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, luật sư Phan Anh tiếp tục đảm nhiệm những cương vị khác nhau, nhằm khôi phục đất nước sau chiến tranh và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Từ tháng 9-1955 đến tháng 4/1958, ông là Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, rồi sau đó cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại thương cho đến năm 1976. Hiếm có một người nào giữ nhiều cương vị Bộ trưởng và ở cương vị Bộ trưởng lâu như luật sư Phan Anh.
Luật sư Phan Anh đã sống cuộc đời của một trí thức dấn thân, với tấm lòng sáng tựa sao Khuê. Tấm lòng yêu nước, đặt quyền lợi quốc gia xã tắc lên trên hết của ông sẽ là bài học quý giá còn được nhắc lại cho đến mai sau.
Bảo Minh
Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/