Với trí tuệ mẫn tiệp, bằng cái tâm, cái tầm của người làm công tác quản lý khoa học, GS Văn Tân (tên thật là Trần Đức Sắc) đã để lại niềm tin yêu và kính phục trong lòng những người đồng nghiệp, học trò từng tiếp xúc, làm việc với ông ở Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam[1].
Tháng 9/1959, tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Văn Lan cùng với một số bạn đồng môn được phân công về làm việc tại Ban Cổ sử, Viện Sử học (tiền thân là Ban Văn Sử Địa) thuộc Ủy ban Khoa học xã hội, dưới sự quản lý trực tiếp của GS Văn Tân. Ông ấn tượng nhất với GS Văn Tân về nghệ thuật quản lý và tài diễn thuyết.
Chính sách “kimi”
GS Văn Tân đã tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, từng giữ vai trò thư ký báo Suối Reo, báo Cứu quốc, rồi được cử sang Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc giảng dạy và tham gia biên soạn từ điển tiếng Việt [2]. Khi trở về công tác tại Ban Văn Sử Địa và Viện Sử học (1955), ông đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Cổ sử và Thư ký biên tập Tập san Văn Sử Địa.
PGS Lê Văn Lan kể lại, GS Văn Tân thường hay nói về chính sách của triều đình phong kiến, đặc biệt từ thời nhà Lý, Trần, Lê trong việc cai quản các miền biên viễn, đó là chính sách được gọi là “kimi”: ràng buộc theo cách mềm, lỏng, nhưng vẫn khiến họ trung thành với quốc gia Đại Việt. Và dường như GS Văn Tân cũng áp dụng phương cách ấy trong công việc quản lý của mình.
Lúc ấy, ban Cổ sử là nơi tập hợp đội ngũ nghiên cứu khá đa dạng: đó là những người tinh thông Hán học như Nguyễn Ngọc Tỉnh, Phạm Trọng Điềm; là những nhà nghiên cứu có tuổi và đầy uy tín như Hoa Bằng, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp… Họ đều là những nhân sĩ, trí thức đã có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Chịu trách nhiệm quản lý một tập thể với những cá nhân “mỗi người một vẻ” như vậy không phải là điều dễ dàng. Và việc áp dụng chính sách kimi của GS Văn Tân đã phát huy tác dụng. Nhóm cán bộ đã được định danh như Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh… thì GS Văn Tân có một chính sách riêng trong quản lý.
GS Văn Tân
Ngày đó, giờ giấc làm việc của cán bộ được quy định rất nghiêm chỉnh và được quản lý theo cơ chế hành chính, tất cả phải có mặt đúng giờ, hết giờ mới được ra về. Mặc dù gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, nhưng GS Văn Tân rất gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động. Nhà sử học Lê Văn Lan vẫn nhớ, đối với các ông Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh, GS Văn Tân quản lý theo cách “thả”: “Anh muốn làm ở đâu thì làm, anh có thể không theo giờ hành chính, thậm chí anh không đến Viện”.
GS Văn Tân không quản lý về giờ giấc, cũng như việc sắp xếp công việc của cá nhân, cuộc sống riêng, mà ông đánh giá bằng kết quả nghiên cứu. Tất cả những sản phẩm của các “cây đa cây đề” phải thông qua Trưởng ban Văn Tân trước khi được phê duyệt”[3]. Và bằng phương thế của một nhà lão thành cách mạng, sự nghiêm khắc với bản thân cộng với tài năng tinh thông văn, sử, triết, tiếng Pháp, tiếng Hán… nên trong công tác quản lý của mình, Văn Tân có khả năng chinh phục mọi người, tạo điều kiện cho mọi người thể hiện khả năng của mình thông qua các kết quả, sản phẩm nghiên cứu.
Ngược lại, với cán bộ trẻ, tức là những “mỏ trắng” (blanc bec)[4], GS Văn Tân chủ trương phải để cho họ được làm việc, nếu ai muốn đi học thêm ngoại ngữ thì phải học ngoài giờ làm việc, trong giờ làm việc đều phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật lao động. Giáo sư Văn Tân quản lý cán bộ trẻ rất chặt chẽ và nghiêm khắc với một phương thức đào tạo rất riêng: “cứ ném họ xuống nước, ai biết bơi thì nổi, không bơi được thì chìm”[5].
Đó cũng được coi như một thử thách của Trưởng ban Văn Tân đối với các cán bộ trẻ, vì chỉ có năng lực và sự cố gắng thì mới giúp họ trụ lại được ở Ban Cổ sử – vốn là một đơn vị có vai trò quan trọng ở Viện Sử học, nếu không làm được, bản thân người đó sẽ tự đào thải.
Nghiêm khắc là thế, nhưng cũng rất gần gũi, thân tình, ông luôn luôn khuyến khích các cán bộ trẻ gọi ông là “anh”, mặc dù lớp hậu sinh chỉ đáng tuổi con cái.
Với sự thân tình như thế, ông quan tâm từng việc nhỏ của các cán bộ trẻ và theo cách riêng của ông. Ông đưa các cán bộ trẻ theo cùng ông để “học việc”, và để tự học.
Ông thường nhắc nhở các học trò của mình “làm khoa học phải đầu tư thời gian để đọc trước khi viết về một vấn đề, phải xem người ta đã viết gì, làm gì rồi, sử dụng tư liệu đến đâu, và làm cách nào để làm mới các tư liệu lịch sử[6]… Có thể thấy, khi trích dẫn đoạn nào, ý nào của ai, GS Văn Tân nhớ rất rõ từng trang, thuộc làu từng lời trích và có thể dẫn nguồn nếu có yêu cầu.
Ngày đầu mới thành lập Viện Sử học, khảo cổ học còn là vùng đất trống. Theo định hướng của Trưởng ban Văn Tân, “làm cổ sử phải có khảo cổ”, và việc đào tạo cán bộ về khảo cổ học trở thành một việc làm cấp bách.
Hai cán bộ “mỏ trắng” Hoàng Hưng, Lê Văn Lan được chọn theo học lớp bồi dưỡng khảo cổ học cùng Nguyễn Đổng Chi [7] và 3 cán bộ của Bảo tàng Lịch sử (trong đó có Phạm Văn Kỉnh). Trong lớp học còn có 3 cán bộ của trường Đại học Tổng hợp là Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn. Lớp học được tổ chức dưới sự hướng dẫn của GS.VS Boriskovsky ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Ngoài việc xây dựng đội ngũ cho lĩnh vực khảo cổ học, GS Văn Tân gợi ý: khi hiểu biết khảo cổ rồi, còn phải tìm mọi cách để đọc được chữ Hán, chữ Nôm bên cạnh tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga. Ngoại ngữ trở thành công cụ quan trọng của một cán bộ làm nghiên cứu khoa học. Với lý lẽ ấy, ông Hoàng Hưng được GS Văn Tân chọn để tìm hiểu thêm về văn bản chữ Hán, vì ông Hưng là người Việt gốc Hoa.
Và tài hùng biện xuất sắc
Rời quê hương Vân Canh đi hoạt động cách mạng từ rất sớm (1929), GS Văn Tân đã bị bắt giam nhiều lần và những trận đòn roi, tra tấn dã man của địch đã để lại trên thân thể ông một thương tật vĩnh viễn ở chân, từ đó ông đi lại khá khó khăn.
Tuy nhiên, những năm tháng ấy đã tôi luyện cho Văn Tân một tinh thần, nghị lực kiên cường trước mọi hoàn cảnh. Chính trong trại giam của nhà tù thực dân, GS Văn Tân cùng các bạn tù của mình không ngừng đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cách mạng, tham gia giảng dạy cho anh em tù chính trị về lý tưởng, lập trường, chủ trương của Đảng, bồi dưỡng về văn hóa, ngoại ngữ, tập diễn thuyết, tập viết báo.
Và tài năng viết báo, diễn thuyết của GS Văn Tân đã được đánh giá cao kể từ những năm tháng cùng “vào tù ra tội” khắp các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bá Vân (Thái Nguyên), Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Có lẽ vì thế, những năm sau giải phóng thủ đô Hà Nội, GS Văn Tân thường được lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành, quản lý các doanh nghiệp, lâm, nông trường – là những người bạn từng vào sinh ra tử với ông từ trước Cách mạng tháng Tám, những người đã được chứng kiến tài năng và trí tuệ của ông – mời ông đến nói chuyện lịch sử, thời sự tại đơn vị mà họ đang phụ trách.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, GS Văn Tân đã trở thành một diễn giả đắt khách, có mặt ở hầu khắp mọi nơi, từ đồng bằng đến trung du miền núi, từ các nhà máy đến nông trường để mang đến cho người nghe những thông tin về lịch sử đất nước. Khi đã nghe ông diễn thuyết, nhớ lại hình ảnh một giáo sư phải vịn vai đồng nghiệp trẻ để đi lại và lên xuống diễn đàn, khán giả càng thêm khâm phục nghị lực và trí tuệ của một nhà hùng biện cách mạng.
GS Văn Tân nói chuyện tại Hoa Lư (Ninh Bình) nhân kỷ niệm 1000 năm Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước (5/12/1968)
GS Văn Tân là người có khả năng viết khỏe, điều này các đồng nghiệp và học trò của ông đều không thể phủ nhận. Nhưng GS Văn Tân còn là một người nói rất hay, rất thuyết phục. Để làm được điều ấy, GS Văn Tân đều có sự chuẩn bị cho từng buổi nói chuyện của mình một cách kỹ lưỡng. Vì thế, không đề cương, không dàn ý, không giấy tờ kèm theo, GS Văn Tân diễn thuyết với một phong thái tự tin và đặc biệt rất uyên bác, không hề cứng nhắc.
Ông chinh phục người nghe bằng tài năng và học thuật của mình với những câu chuyện thú vị. Khi ông trình bày một vấn đề, luôn bộc lộ một phong cách riêng, phù hợp với nội dung. Đó là các bài nói chuyện về Đinh Bộ Lĩnh hay về vua Quang Trung- Nguyễn Huệ, với chất giọng hào sảng, đầu ngẩng cao cùng những động tác thể hiện sự mạnh mẽ, ông có thể thao thao một đoạn trích dài trong các tác phẩm Hịch tướng sĩ, Quân trung từ mệnh tập…mà không hề vấp váp thì cả khán phòng dậy lên những tiếng xuýt xoa thán phục. Diễn thuyết với nông dân ở nông trường Bình Minh (Ninh Bình) ông lại có cách trình bày khác với tiếp xúc với kỹ sư, công nhân ở Khu gang thép Thái Nguyên…
Khả năng linh hoạt diễn thuyết trước từng đối tượng cũng là một tài năng và sự sáng tạo của ông. Đó là cả một nghệ thuật của GS Văn Tân mà mỗi học trò có may mắn được chứng kiến, học tập đều nhận ra điều ấy.
Nhà sử học Lê Văn Lan đã có dịp được học hỏi điều đó khi được đi cùng với GS Văn Tân lên diễn thuyết ở Khu gang thép Thái Nguyên năm 1967. Bí thư Đảng uỷ của Khu gang thép là ông Phúc, cũng bị tù ở Bá Vân với GS Văn Tân, hai người từng nằm trên một cái sạp trong nhà tù. Ông Phúc đại diện cho Khu gang thép đưa ô tô xuống Hà Nội đón GS Văn Tân lên nói chuyện về Quang Trung – Nguyễn Huệ và kể chuyện về Bác Hồ[8].
Ở Khu gang thép thời đó, hội trường vẫn còn nền đất, mái lợp thô sơ, chỗ ngồi chật hẹp nhưng cả hội trường mọi người đều im phắc nghe. GS Văn Tân đã làm nóng hội trường khi nói về cách mạng Tây Sơn. Và ông là người đầu tiên gọi Tây Sơn là “cách mạng”. Ông lý giải rõ vì sao Tây Sơn lại thực sự là một cuộc cách mạng, tại sao là cách mạng nông dân…
Từ những chi tiết trong tác phẩm “Cách mạng Tây Sơn” và “Ngô Thì Nhậm- Con người và sự nghiệp” đến cách nói bỗ bã của Nguyễn Huệ mà ông khai thác qua tài liệu còn sót lại đã được tìm thấy [9], diễn giải của GS Văn Tân đã khiến cả hội trường vỗ tay giòn giã. Đó là sự độc đáo, tìm tòi tạo nên khác biệt trong các công trình nghiên cứu của GS Văn Tân, làm cho những bài diễn thuyết, những tác phẩm nghiên cứu của ông không hề khô khan mà sinh động, lôi cuốn.
Trong gần 30 năm công tác tại Ban Cổ sử và Viện Sử học, GS Văn Tân luôn bộc lộ phong cách của nhà cách mạng, một nhà nghiên cứu với ngòi bút sắc sảo, mạnh mẽ. Tuy rằng trong cái mạnh mẽ cũng có lúc quá tả, nhưng lại bộc lộ rõ nét tính cách của ông, một con người đến với khoa học bằng nhân cách trí thức chân chính thông qua con đường tự học và luôn hết mình vì khoa học.
Nghệ thuật quản lý hòa quyện với tài năng của GS Văn Tân đã góp phần tạo nên hình ảnh một nhà sử học uyên thâm được đồng nghiệp và học trò kính trọng và ngợi ca.
——————
[1] Nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
[2] Từ điển tiếng Việt. GS Văn Tân (Chủ biên). H- Khoa học xã hội, 1967. Đây là công trình được tập thể tác giả hoàn thành trong nhiều năm, từ 1952-1967
[3] Phỏng vấn nhà sử học Lê Văn Lan, ngày 23-10-2013
[4] Blanc bec, danh từ tiếng Pháp, có nghĩa là nhãi con, chỉ những người mới ra trường chưa có kinh nghiệm trong công việc.
[5] Phỏng vấn nhà sử học Lê Văn Lan, ngày 23-10-2013
[6] Trích bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Vinh tại Hội thảo “Giáo sư Văn Tân, nhà hoạt động cách mạng, nhà văn hóa, nhà sử học”, tháng 9-2013.
[7] Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông về công tác tại Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học từ năm 1955..
[8] Trong thời gian làm việc ở báo Cứu quốc ( 1945-1949), GS Văn Tân có vinh dự được làm việc bên cạnh Bác Hồ.
[9] Trong “Cách mạng Tây Sơn”, GS Văn Tân sử dụng tư liệu sớ của người dân khu Văn Chương, do ông Tam Nông viết, kiện lên vua Quang Trung về việc lính Tây Sơn phá đổ nhà bia. Người tìm ra văn bản sớ này là nhà thư tịch học Trần Văn Giáp: “Thôi thôi sự việc đã rồi/ Trăm việc hãy cứ trách bồi vào ta, đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải”, Trong cuốn sách Ngô Thì Nhậm-con người và sự nghiệp, GS Văn Tân sử dụng hai câu thể hiện chủ trương của vua Quang Trung: Thằng Càn Long nó xin con voi/ Xem con nào cụt vòi cho nó một con.
Nguyễn Thị Hiên (Ghi theo lời kể của nhà sử học Lê Văn Lan) (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)
Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/