Chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực khiến người bệnh vui vẻ vào ban ngày nhưng đến đêm lại bồn chồn, buồn bã, khó ngủ mà không rõ lý do.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), chia sẻ: “Mới đây, tôi khám cho bệnh nhân nữ, 35 tuổi. Bệnh nhân chia sẻ mình từng có thu nhập không dưới một tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số tiền này sụt giảm nghiêm trọng nhưng bệnh nhân phải chấp nhận và quyết định không làm gì”.
Sau khi trò chuyện, bác sĩ này phát hiện bệnh nhân vừa kết thúc giai đoạn hưng cảm của chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Ở giai đoạn này, bệnh nhân năng động, sáng tạo hơn.
“Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân có nhiều cảm hứng, sáng tạo khiến công việc trôi chảy. Tuy nhiên, khi giai đoạn này kết thúc, bệnh nhân xuất hiệu triệu chứng đau đầu, đau dạ dày, hoa mắt, chóng mặt và hồi hộp”, tiến sĩ Hồng Thu nói.
Trước đó, nữ bệnh nhân đã đi khám tại nhiều nơi, kiểm tra về thần kinh, nội tiết nhưng không thể tìm ra bệnh. Suốt quá trình đó, bệnh nhân này luôn cáu kỉnh, chán nản, buông xuôi trong công việc dù không có lý do.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Ảnh: Quốc Toàn.
Theo tiến sĩ Hồng Thu, tỷ lệ người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực chiếm khoảng 4% dân số thế giới. Người bệnh sẽ trải qua sự thay đổi cảm xúc liên tục, khi vui vẻ và thừa năng lượng, lúc ngược lại. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và tập trung, gây trở ngại đáng kể cho cuộc sống hàng ngày.
Bệnh này gồm những thái cực cảm xúc đối lập. Chúng xuất hiện lặp lại kéo dài suốt cuộc đời. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được kiểm soát, kéo dài thời gian ổn định nhờ can thiệp sớm, uống thuốc đều đặn.
Chúng ta không biết trước được thời điểm nào cảm xúc người bệnh bị thay đổi. Thời gian chuyển đổi giữa 2 thái cực có thể trong một ngày, tuy nhiên, tình trạng này khá hiếm. Thông thường, các giai đoạn sẽ kéo dài vài ngày hoặc nhiều tháng.
Ở giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân thường có biểu hiện như luôn lạc quan, vui tươi, phấn khởi, nhiều ý tưởng mới, đánh giá cao bản thân. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân đều rõ biểu hiện. Một số trường hợp chỉ cảm thấy tràn trề sinh lực, luôn muốn làm việc. Những người này thường khó phát hiện bệnh. Thậm chí, không phải tất cả bệnh nhân đều có biểu hiện và triệu chứng điển hình.
Người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực rất khó phát hiện bệnh. Ảnh: Rehab Thailand.
Với giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân luôn buồn bã, thụ động và chán nản. Quá trình chuyển từ hưng cảm sang trầm cảm có thể tự nhiên xảy ra hoặc do tác động của một biến cố nhất định.
Tiến sĩ Hồng Thu cho hay: “Nữ bệnh nhân kể ban ngày rất vui vẻ, phấn chấn, hoạt bát nhưng về đêm lại bồn chồn, khó ngủ. Nếu bệnh nhân nhận ra điều bất thường này và điều trị ngay ở giai đoạn hưng cảm, các bác sĩ có thể điều trị tâm lý và không cần dùng thuốc”. May mắn, người phụ nữ này đã tới khám ngay khi vừa bước sang giai đoạn trầm cảm.
Người mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực phải được bác sĩ theo dõi để kê đơn kết hợp điều trị tâm lý. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần uống thuốc trong thời gian dài để cuộc sống có chất lượng tốt hơn.
Theo Quốc Toàn (Zing)
Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/