Cách mạng Tháng Tám: Bước ngoặt đổi đời của trí thức

Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và là một bước ngoặt đổi đời của trí thức.

Cách mạng tháng Tám là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thành công của Cách mạng tháng Tám đã đập tan xiềng xích đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, đánh đuổi phát xít Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, đưa người dân trở thành những người làm chủ đất nước. Đối với trí thức, đó là một cuộc đổi đời thực sự lớn lao.

Trí thức hòa mình vào phong trào cách mạng

Trước Cách mạng tháng Tám, có hai khuynh hướng yêu nước của trí thức Việt Nam. Khuynh hướng thứ nhất, những thanh niên trí thức sớm tham gia các hoạt động yêu nước khi còn trẻ, gia nhập Đảng Cộng sản và được rèn giũa trong nhiều thử thách, từng chịu cảnh tù đày, và đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác-Lenin…

Có thể kể ra những người trong số này như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng… Số này hoạt động và lãnh đạo các phong trào cách mạng một cách bí mật. Sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, họ nắm các chức vụ quan trọng và tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: TTXVN.

Khuynh hướng thứ hai, là những trí thức hoạt động yêu nước không chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Cộng sản, với các hình thức rất phong phú như làm báo, viết văn, dạy học, công bố các công trình nghiên cứu, cổ vũ và khơi dậy các tinh thần yêu nước. Số này có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản. Có thể kể ra những gương mặt như: Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đỗ Đức Dục…

Bên cạnh những trí thức hoạt động trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương thì trước Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là trong giai đoạn 1939-1945, trí thức chủ yếu tự tập hợp và tổ chức hoạt động trong tạp chí Thanh Nghị, Hội Tân Việt Nam, Tự lực văn đoàn, Hội Ánh sáng, Hội Nhân quyền…, hay trong phong trào Thơ mới, trong các tờ báo tiến bộ và yêu nước ở cả Bắc, Trung, Nam. Những tổ chức này thúc đẩy việc mở mang dân trí, đồng thời cũng là nơi tập hợp, giao lưu giữa các trí thức, nơi họ bàn về thời cuộc và đem tài trí của mình ra để phụng sự nhân dân.

Tự lực văn đoàn là nhóm đứng đầu về sự chuyên nghiệp nghề văn trong những năm 1930 – 1945.

Thông qua các tổ chức, các hội như Hội Truyền bá Quốc ngữ, Tổng Hội sinh viên Đông Dương, Hướng đạo sinh và thông qua một số văn nghệ sĩ, Đảng đã thành lập Tổ Văn hóa Cứu quốc với hạt nhân là một số văn sĩ trí thức cách mạng. Sự xuất hiện của tổ chức này có ý nghĩa lớn trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác và lôi kéo tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức về phía cách mạng.

Sự ra đời của bản Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) cũng có tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị trong giới văn nghệ sĩ. Trên cơ sở này, Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập ở khắp nơi, có sự tham gia của nhiều trí thức.

Theo ông Đặng Thai Mai (một người đã hoạt động trong các phong trào báo chí và truyền bá quốc ngữ trước năm 1945) thì bản Đề cương Văn hóa có hai ảnh hưởng lớn: một là cần có cuộc đấu tranh về lý luận và văn học và hai là lý luận văn học không những không thể tách rời lịch sử, chính trị, xã hội mà cần đặt nó vào trong cuộc cách mạng dân tộc[1]. Đề cương có nguyên tắc chính là dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, góp phần xác định niềm tin của các văn nghệ sĩ, các trí thức vào Đảng và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tháng 6/1944, Đảng Dân chủ Việt Nam ra đời, tạo điều kiện cho trí thức, sinh viên, thanh niên, sinh viên phát huy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc… Đảng Dân chủ Việt Nam, tên ban đầu là Việt Nam Dân chủ Đảng hay Việt Nam Tân Dân chủ Đảng, sớm tham gia vào hoạt động của Mặt trận Việt Minh.

Ông Dương Đức Hiền, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Dân chủ, tham gia Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng và là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1939-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh, trí thức tiếp tục được tập hợp trong các tổ chức như Thanh niên Cứu quốc, Thanh niên Phản đế, Đảng Dân chủ Việt Nam, các hội: Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Hướng đạo sinh, Tổng hội sinh viên… Thông qua những tổ chức này, trí thức đã hòa mình vào phong trào cách mạng, phong trào yêu nước giải phóng dân tộc.

Ông Dương Đức Hiền (trái), vị Bộ trưởng Thanh niên Việt Nam đầu tiên.

Dù làm gì cũng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc

Đầu năm 1945, đại chiến thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt, ở Đông Dương, quân đội Nhật tiến hành đảo chính Pháp, giành lấy quyền cai trị. Trong bối cảnh ấy, những trí thức trong nhóm Thanh Nghị đã tập hợp nhau để trao đổi về thời cuộc. Báo Thanh Nghị xuất hiện trên văn đàn vào tháng 5/1941 nhằm tập hợp trí thức để tích lũy kiến thức hướng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tờ báo Thanh Nghị là một phương tiện thực hiện, phương thức hoạt động của một số trí thức yêu. Mục đích của nó là tập hợp trí thức cùng chiều hướng suy nghĩ tạm thời làm báo để tích lũy kiến thức hướng vào cuộc đấu tranh dân tộc. Theo như ông Vũ Đình Hòe (người từng làm Chủ nhiệm báo Thanh Nghị, Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ) viết lại: “Trao đổi không nhiều mà chủ yếu nhìn nhau, đoán ý thôi, phương châm đã thống nhất từ thuở ban đầu mà; độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng – lúc nào cảm thấy cần thiết và có thể thì tự mình quyết lấy con đường đi, không bận tâm đến sự ràng buộc nào”[2].

Tuần báo Thanh Nghị được phát hành từ năm 1941.

Một số trí thức như Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền nhận lời mời của vua Bảo Đại cộng tác với Chính phủ Trần Trọng Kim. Cũng theo ông Vũ Đình Hòe thì hành động tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim của những trí thức trên không hề gây thắc mắc, băn khoăn của những người trong nhóm Thanh Nghị, vì chắc chắn dù họ có làm gì thì cũng là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Theo ông Vũ Đình Hòe: “Sự chọn đường đi của ba anh ấy là có lý lẽ, muốn bắc một tấm ván lên chỗ trống, làm cầu và tạm thời giữ vai trò gác cầu, không cho kẻ thù dân tộc hoặc kẻ bất lương nào khác “hớt tay trên”, bất lợi cho tiền đồ của đất nước, thì chúng tôi yên tâm, hơn nữa còn đồng tình”[3]. Quả thật, sau này, những trí thức ấy đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo vệ nền độc lập của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới được thành lập.

Ngày 5/5/1945, Hội Tân Việt Nam ra đời gồm 34 người, mà thành viên nòng cốt là những trí thức của báo Thanh Nghị và Hội Truyền bá Quốc ngữ[4]. Vì hoàn cảnh, những trí thức này đã chọn cách: “Ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. Ít nhất trong mấy tháng. Vì ủng hộ có điều kiện (tuy không cần nói rõ hẳn như thế, nhưng ai cũng hiểu như thế). Kể cả Nguyễn Văn Huyên là một trong những người xưa nay vốn nổi tiếng là thận trọng, điềm đạm, kín đáo nhất. Ủng hộ có điều kiện cho nên khi điều kiện khách quan, chủ quan đã có dấu hiệu thay đổi thì đương nhiên phải xem lại quyết định trước”[5].

Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) cùng Chính phủ lâm thời năm 1945. Ảnh tư liệu.

Không bao lâu sau đó, tháng 7/1945, các ông Vũ Đình Hòe, Lê Huy Vân, Nguyễn Đình Thụ thay mặt Ủy ban Trung ương Hội Tân Việt Nam vào Huế gặp các ông Vũ Văn Hiền, Phan Anh để bàn bạc, nhận định tình hình xem có thể rút ra khỏi Chính phủ Trần Trọng Kim được hay không? Những trí thức này cho biết đã bàn bạc với ông Hoàng Xuân Hãn về việc xảy ra khả năng này. Theo hồi ký của ông Vũ Đình Hòe thì trong tháng 7/1945, cũng chính ông Vũ Đình Hòe đã cùng với ông Nguyễn Văn Huyên bí mật đến Bắc bộ phủ, gặp Khâm sai đại thần Phan Kế Toại (anh rể ông Nguyễn Văn Huyên) để vận động từ chức.

Một tuần trước khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám nổ ra, tạp chí Thanh Nghị “biến mất” để chuẩn bị cho những sự kiện trọng đại của dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ 2 từ trái sang) và Giáo sư Vũ Đình Hòe (đầu tiên bên trái).

Bước ngoặt đổi đời của trí thức

Trong tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, trí thức có một vai trò lớn trong việc giành chính quyền. Ngay sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, không khí cách mạng ở Hà Nội và các thành phố lớn đã diễn ra sôi nổi. Sinh viên, học sinh, thanh niên cứu quốc và các tầng lớp trí thức đã phối hợp với lực lượng cách mạng nổi dậy giành chính quyền ở nhiều nơi. Chính sự đóng góp của thanh niên, học sinh, sinh viên và trí thức đã làm tăng thêm sức mạnh, góp phần đưa cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đi đến thắng lợi.

Quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội biểu tình và chiếm phủ Khâm Sai, ngày 19/8/1945. Ảnh: TTXVN.

Đặc biệt cuộc mittinh ở Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra ngày 17/8/1945, với bài diễn thuyết của hai nữ trí thức là Từ Trang (nữ trí thức Thủ đô) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (con quan Thượng thư). Cuộc mittinh do Tổng hội công chức thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức thành một cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng trên các đường phố Thủ đô.

Ngày 23/8 ở Hà Nội, 4 người đại diện cho giới trí thức là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như KonTum, Nguyễn Xiển và Hồ Hữu Tường đã cùng ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh.

Trong 4 người thì có 3 người ở trong nhóm Thanh Nghị và Hội Tân Việt Nam, chỉ có duy nhất Hồ Hữu Tường là ngoài nhóm, nhưng là bạn thân của ông Nguyễn Văn Huyên. Trong khi đó, ở Huế, các ông Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn và Vũ Văn Hiền nhận được đề nghị của những người bạn của mình trong nhóm Thanh Nghị, vận động được đa số thành viên trong Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức và khuyên vua Bảo Đại thoái vị.

Ngày 27/8/1945, báo Cứu Quốc số 32 đăng bức điện: “Một Chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”. Ký tên bức điện là bốn trí thức.

Theo Vũ Đình Hòe thì đây là “sự kiện lịch sử khá đẹp” và “anh Huyên (Nguyễn Văn Huyên) đã tích cực hoạt động, giữ vững chèo lái cho con thuyền Thanh Nghị và Hội Tân Việt Nam, đóng góp đáng kể cho phong trào Việt Minh ở Thủ đô. Cũng dễ dàng và tự nhiên thôi, chủ yếu nhờ hoàn cảnh cách mạng thắng lợi nhanh không ngờ”[6].

Vua Bảo Đại đứng trước điện Kiến Trung, Ông đang chờ phái đoàn của chính phủ lâm thời do ông Trần Huy Liêu đứng đầu đến để trao ấn, kiếm xin thoái vị ngày 30/8/1945.

Sau này, GS Nguyễn Xiển kể lại: “Chiều ngày 22/8/1945, sau cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, sinh viên và thanh niên học sinh tổ chức mít tinh ở Đông Dương học xá có mời nhiều nhà trí thức, trong đó có anh Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như KonTum, Hồ Hữu Tường và tôi (Nguyễn Xiển) đến phát biểu ý kiến. Chúng tôi đều đồng thanh ủng hộ Việt Minh”[7].

Theo GS Nguyễn Xiển, bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị được coi như phản ánh nguyện vọng của đại bộ phận trí thức Việt Nam. Như ông viết lại: “Chúng tôi được ghi nhận là Nhóm bốn người đánh điện nhưng hiểu rằng Cách mạng tháng Tám là sự nghiệp của toàn dân vùng lên giành chính quyền từ tay Nhật và đánh đổ triều đình phong kiến nhà Nguyễn, cử chỉ của chúng tôi chỉ là góp thêm một tác động nhỏ về chính trị tinh thần vào một cao trào đã lớn mạnh ở một tình thế đã chín muồi”[8].

Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Trí thức đã có những hoạt động, đóng góp quan trọng vào quá trình giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945. Bản thân họ đã là một phần của cuộc Cách mạng tháng Tám và một phần lịch sử dân tộc. Đó là một cuộc cách mạng có ý nghĩa bước ngoặt, như lời GS Nguyễn Xiển viết: “Cách mạng tháng Tám bùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc là một bước ngoặt đổi đời của trí thức”.

————

[1] Đặng Thai Mai, Hồi ký (thời kỳ thanh thiếu niên), Nxb Tác phẩm mới, 1985, tr. 358-359.

[2] Nguyễn Văn Huyên – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, 2015, tr.25.

[3] Nguyễn Văn Huyên – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, 2015, tr.25.

[4] Vũ Đình Hòe, Gương mặt những người cùng thế hệ, Nxb Trẻ, 2015, tr. 277-278.

[5] Nguyễn Văn Huyên – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, 2015, tr.26.

[6] Nguyễn Văn Huyên – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, 2015, tr.27

[7] Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Tiếp bước chân cha: Hồi ký về Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Nxb Thế giới,  2003, tr. 113.

[8] Giáo sư Nguyễn Xiển – Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb Hội Nhà văn, 2007, tr. 79.

Từ Sơn (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)

Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/