Lò đốt chất thải công nghiệp đầu tiên của Việt Nam

Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở Việt Nam do GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và các đồng nghiệp nghiên cứu và chế tạo. Công trình này đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế mang số hiệu 5710.

Năm 1959, tốt nghiệp khóa I Đại học Bách khoa Hà Nội, Phạm Ngọc Đăng được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy môn Vật lý xây dựng. Trong quá trình công tác, ông vừa tham gia giảng dạy, vừa tích cực nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1959-1982 này đã được GS Phạm Ngọc Đăng biên soạn và xuất bản một số đầu sách về Vật lý nhiệt và Khí hậu kiến trúc, được hầu hết các trường đại học đào tạo các ngành Xây dựng và Kiến trúc dùng làm tài liệu giảng dạy.

Từ năm 1982, khi làm Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, GS Phạm Ngọc Đăng tham gia tư vấn và đề xuất việc hoạch định nhiều chính sách, văn bản pháp luật về Bảo vệ môi trường cho Nhà nước, trong đó quan trọng nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2005, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia 2010-2020, Chiến lược Phát triển công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy chế quản lý môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, 2009, 2011, v.v..

Có một thực tế là trong thời đại kinh tế phát triển, chất thải công nghiệp độc hại phát sinh ngày càng nhiều cả về số lượng và chủng loại, tính độc hại ngày càng nguy hiểm, nếu không được xử lý triệt để, hợp vệ sinh thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí, và cuối cùng là hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và các hệ sinh thái.

Năm 2004, GS Phạm Ngọc Đăng đã đăng ký với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường làm đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại”. Với vai trò là Chủ nhiệm đề tài, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp (CEETIA), trường Đại học Xây dựng Hà Nội, GS Đăng đã cùng một số đồng nghiệp trao đổi về ý tưởng, nguyên lý thiết kế và tiến hành chế tạo lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở Việt Nam.

Mỗi người một công việc: PGS.TS Vũ Công Hòe[1] chủ trì thiết kế và chế tạo lò đốt, PGS.TS Nguyễn Bá Toại[2] và PGS.TS Bùi Sỹ Lý[3] chủ trì thiết kế và chế tạo hệ thống xử lý khói thải của lò đốt…

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên của Việt Nam

Trong những lần đi công tác nước ngoài: Thái Lan, Malaysia, Mỹ…, GS Đăng đã tham quan một số lò đốt chất thải nguy hại, nhưng không thể tìm kiếm được bản thiết kế lò đốt đó. Vì vậy, GS Đăng đã cùng với các đồng nghiệp vừa phải tìm đọc các tài liệu của nước ngoài, vừa phải vận dụng kiến thức cơ bản đã được đào tạo. Từ đó, xây dựng sơ đồ nguyên lý hoạt động, tính toán thiết kế chế độ nhiệt của lò đốt và hệ thống xử lý khí thải để lò đốt khi hoạt động thực tế phải đạt được các quy định của Tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, chi phí vận hành thấp, vận hành phù hợp với điều kiện của nước ta.

Với nguồn kinh phí hạn hẹp nên đề tài chỉ dừng ở việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo mô hình lò đốt mà chưa xây dựng được một lò đốt hoàn chỉnh, ứng dụng vào thực tiễn.

GS Phạm Ngọc Đăng muốn kết quả nghiên cứu đó phải được xây dựng trong thực tế sản xuất, giải quyết được vấn đề bức bách nhất của các đô thị lớn là việc tồn đọng chất thải công nghiệp nguy hại nên ông đã liên hệ với Kỹ sư Chử Văn Chừng – Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) để bàn về việc đầu tư xây dựng lò đốt này tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.

Kỹ sư Chử Văn Chừng đã không ngại rủi ro, rất nhiệt tình ủng hộ, nhanh chóng ký văn bản hợp tác, và đầu tư kinh phí 1,5 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí từ Nhà nước và từ Công ty URENCO Hà Nội, Đề tài đã hoàn thành về lý thuyết và chế tạo, lắp đặt xây dựng lò đốt tại Nam Sơn. Thời gian đó nếu mua lò đốt tương tự của nước ngoài thì rất đắt, ước tính khoảng 10-15 tỷ đồng.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

Để sản xuất ra lò đốt hoàn chỉnh này, có bộ phận được chế tạo tại Trung tâm CEETIA, có bộ phận phải đặt chế tạo ở các xưởng cơ khí ngoài trường Đại học Xây dựng như bộ phận điều khiển lò tự động đã được Công ty Tư vấn tự động hóa thiết kế lắp đặt; có bộ phận phải mua ở nước ngoài, như vòi phun dầu được đặt mua từ nước Ý hoặc nước Đức.

Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại có tên gọi là CEETIA150[4], được thiết kế, sản xuất dựa trên nguyên lý đốt 2 tầng: buồng sơ cấp đốt chất thải công nghiệp nguy hại biến thành hơi khí, và buồng thứ cấp đốt phần khí thải ra từ buồng sơ cấp với nhiệt độ cao để biến thành khí trơ. Khi đốt chất thải nguy hại thì thông thường sẽ thải ra một số khí rất độc hại. 

Đã có nhiều nơi khi mua lò đốt chất thải ở nước ngoài nhưng lại không mua bộ phận xử lý khí thải vì giá thành đắt. Còn với lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại này được thiết kế và chế tạo có hệ thống xử lý khí thải thoát ra hoàn thiện nên đảm bảo an toàn, không gây độc hại cho môi trường.

Bằng độc quyền sáng chế hiện được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Nhóm nghiên cứu, chế tạo Lò đốt chất thải còn trực tiếp đào tạo đội ngũ công nhân vận hành lò. Lễ khánh thành và bàn giao lò đốt cho Công ty URENCO được tổ chức rất long trọng, có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đến dự. Vì đây là lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành thành công nên nhiều báo chí, đài phát thanh và truyền hình đến dự và đưa tin.

Từ khi Lò đốt được đưa vào hoạt động đến nay, Công ty URENCO Hà Nội đã liên tục nhận xử lý các chất thải công nghiệp nguy hại của nhiều công ty công nghiệp ở Hà Nội và ở một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên. Trước kia, một số nhà máy như nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản tại Việt Nam phải chở rác thải độc hại về nước để xử lý, nhưng từ khi có Lò đốt, họ đã thuê Công ty URENCO Hà Nội xử lý rác thải độc hại.

Đề tài mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và ứng dụng cao nên năm 2006 Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã cấp cho GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và các tác giả Bằng độc quyền sáng chế về đề tài “Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại”. Tấm bằng được GS Phạm Ngọc Đăng trân trọng, cất giữ cẩn thận, năm 2010 ông tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ. 

—————————————–

[1] PGS.TS Vũ Công Hòe, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhiệt kỹ thuật, trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

[2] PGS.TS Nguyễn Bá Toại, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Thông gió Vi khí hậu, trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

[3] PGS.TS Bùi Sỹ Lý, Chủ nhiệm Bộ môn Thông gió Vi khí hậu, trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

[4] CEETIA150 có nghĩa là Lò đốt CEETIA với công suất 150 kg chất thải/giờ.

Nguyễn Thị Phương Thúy (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)

Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/