Từ niềm yêu thích vẻ đẹp của các loài côn trùng, PGS.TS Vũ Văn Liên gắn bó cả cuộc đời cho những cuộc “săn” tìm côn trùng.
Săn để bảo tồn
Trong căn phòng làm việc giản dị treo rất nhiều tranh côn trùng, PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, say sưa nói về tình yêu với côn trùng.
Ông kể, ngay từ bé ông đã có niềm yêu thích với côn trùng nên lựa chọn Đại học Nông nghiệp để thực hiện ước mơ. Từ giảng đường đại học, ông phát hiện côn trùng tự nhiên ở nước ta rất phong phú, đa dạng, nhưng các nghiên cứu về côn trùng còn hạn chế. Nhiều người vẫn quan niệm côn trùng chỉ là sâu bọ, có hại hoặc không giúp ích gì cho cuộc sống…
PGS.TS Vũ Văn Liên trong một chuyến đi “săn
Năm 1996, ngay sau khi rời giảng đường đại học, ông bắt tay nghiên cứu về đa dạng sinh học, sinh thái của các loại côn trùng, đặc biệt là các loại côn trùng cánh vảy (bướm và ngài).
PGS.TS Vũ Văn Liên kể, khác với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác, công việc của ông và các đồng nghiệp gắn liền với những chuyến đi mà ông gọi vui là đi “săn”. Với ông, có những chuyến đi săn dễ dàng, nhưng cũng có những chuyến đi săn mất đến 10 năm trời hoặc để lại thương tích cho bản thân.
Có lần đi thực địa ở đỉnh Phanxipăng, bất ngờ ông phát hiện có loài bướm chủng vô cùng quý hiếm, mặc dù mất rất nhiều đồng hồ, quan sát, rình bắt thậm chí xác định mắc võng qua đêm để săn bởi cứ gần lúc sắp bắt được thì bướm lại bay đi chỗ khác. Cuối cùng, ông cũng kịp bắt được trước khi đêm tối đổ sụp xuống. Nhưng cũng có những loài bướm ông phải mất hàng chục năm trời mới bắt được sau nhiều lần thực địa…
Theo PGS.TS Vũ Văn Liên, công việc đi “săn” vất vả nhưng đem lại cho ông nhiều trải nghiệm thú vị từ việc đi rừng, ngủ rừng để săn côn trùng, cho đến niềm vui sướng như trẻ được quà khi phát hiện ra loài côn trùng mới, hay là cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối khi rình cả buổi, tưởng là chụp bắt được đến nơi rồi thì lại hụt mất…
Nhưng hơn hết, những chuyến đi giúp ông hiểu hơn về thế giới tự nhiên, sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của côn trùng, những phát hiện loài mới cho khoa học cũng như đề ra các giải pháp bảo tồn các loài này.
Ông ví dụ, trong quan niệm của nhà nông thì bướm là loài côn trùng có hại. Tuy nhiên trên thực tế, các loài bướm có vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái tự nhiên. Cùng với ong, bướm có vai trò thụ phấn cho thực vật có hoa, trong đó có cây trồng, một cách rất tích cực và hiệu quả. Bướm còn là loài sinh vật chỉ thị môi trường cũng như làm đẹp cảnh quan trong tự nhiên.
Công việc đi “săn” vất vả nhưng đem lại cho PGS.TS Vũ Văn Liên nhiều trải nghiệm thú vị
Những cuộc đi “săn” đã giúp PGS.TS Vũ Văn Liên thống kê được hơn 1.000 loài bướm ở Việt Nam, cùng những nghiên cứu về sinh học và sinh thái, giám sát sự biến động quần thể của các loài bướm theo thời gian, đồng thời đề xuất những hướng phát triển, sử dụng hợp lý và bảo tồn bướm.
“Thật sai lầm nếu nghĩ côn trùng xấu xí và không có ích. Những cánh bướm có vẻ đẹp đa dạng và hấp dẫn; các loài côn trùng khác như cánh cứng, ong, bọ que, cào cào, ve sầu, bọ ngựa… cũng có những vẻ đẹp kỳ thú riêng. Và hơn thế, côn trùng đem lại nhiều lợi ích: làm thực phẩm, chữa bệnh, cải tạo đất, thụ phấn cho thực vật có hoa làm tăng năng suất cây trồng… Công việc của chúng tôi không chỉ đánh giá hiện trạng, phân bố, hướng bảo tồn mà còn trả lời câu hỏi, lợi ích của côn trùng tới đâu, hướng sử dụng và phát triển chúng như thế nào”, PGS.TS Vũ Văn Liên nhấn mạnh.
Biến côn trùng thành sản phẩm có ích
Không chỉ dừng lại ở công việc nghiên cứu và bảo tồn, PGS.TS Vũ Văn Liên còn muốn nhiều hơn thế, đó là biến côn trùng thành những sản phẩm có ích. Ông kể, nhiều năm về trước, trong những chuyến công tác nước ngoài, ông phát hiện người Nhật Bản, Mỹ có thú sưu tầm côn trùng như bướm, bọ hung, cánh cam, bọ dừa… để làm tranh côn trùng. Tương tự, ở Nam Phi, Châu Úc, người dân tộc thường đeo những sợi dây được gọi là “ngọc đất” lấy từ bao xác của ấu trùng một loài côn trùng cánh vảy… Về nước, PGS.TS Vũ Văn Liên nung nấu ý định “phải làm gì đó”.
Những bức tranh làm từ côn trùng không chỉ để trưng bày mà còn được thương mại hóa.
“Trong quá trình thu thập mẫu vật để phục vụ nghiên cứu, trưng bày và giảng dạy, có một lượng không nhỏ mẫu vật bị khiếm khuyết, gẫy, hư hỏng…, bỏ đi quá phí. Ngoài ra, nhiều mẫu côn trùng thu được là sản phẩm của các nghiên cứu, nhân nuôi. Tại sao không thử tận dụng nguồn này để làm ra các sản phẩm có ích”. Nghĩ là làm, PGS.TS Vũ Văn Liên và các cộng sự đã nghiên cứu để làm tranh côn trùng. Tranh dùng để trưng bày, và đi xa hơn, hiện nay, một số lượng tranh đã được thương mại hóa.
PGS.TS Vũ Văn Liên giới thiệu về côn trùng và hướng bảo tồn côn trùng ở Việt Nam với những người bạn quốc tế
Bên cạnh đó, PGS.TS Vũ Văn Liên còn mong muốn thông qua côn trùng để nâng cao hiểu biết của người dân về thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và côn trùng. Vì thế, ông nảy ra ý tưởng mở các lớp làm tiêu bản từ côn trùng cho học sinh từ mẫu giáo đến phổ thông tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Với các lớp học này, học sinh không chỉ được tham gia vào quá trình tạo một bức tranh từ côn trùng mà còn được tìm hiểu về côn trùng và thiên nhiên, hiểu và nuôi dưỡng tình yêu với thiên nhiên.
“Thiên nhiên là như vậy, rất thú vị nếu chúng ta quan tâm tìm hiểu. Hiểu biết và tôn trọng thiên nhiên chính là tôn trọng quy luật của tự nhiên, mà trong đó, con người chỉ là một thực thể. Có đối xử công bằng với tất cả các hợp phần của tự nhiên thì chúng ta mới không phải đối phó với các hậu quả khó lường từ thiên nhiên do chính con người tạo ra. Tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên mới là sự khôn khéo và thông minh của con người”, PGS.TS Vũ Văn Liên khẳng định.
PGS.TS Vũ Văn Liên sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, theo học Thạc sĩ tại Viện động vật Côn Minh, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc. Năm 2008, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Côn trùng học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Năm 2016, ông được phong hàm Phó Giáo sư.Trong gần 30 năm gắn bó với côn trùng, ông đã thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp tỉnh về nghiên cứu và bảo tồn côn trùng ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn thực hiện các dự án hợp tác với Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florence Italia, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Florida Hoa Kỳ, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin, Cộng hòa Liên Bang Đức và nhiều Viện nghiên cứu, Bảo tàng trên thế giới để giới thiệu với thế giới về côn trùng và hướng bảo tồn côn trùng ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có hơn 80 công trình khoa học, trong đó, hơn 1/3 công trình đăng trên các tạp chí hàng đầu về khoa học như SCI/SCI-E, SCOPUS. |
Lan Hoa
Xem chi tiết tại: https://khampha.vn/